Nghị định 54/2021/NĐ-CP quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/2021/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 21 tháng 5 năm 2021 |
QUY ĐỊNH VỀ ĐÁNH GIÁ SƠ BỘ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Nghị định này quy định chi tiết về đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư xây dựng và hoạt động cấp
giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo yêu cầu của nhà đầu tư.
ĐÁNH GIÁ SƠ BỘ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG
Điều 3. Đối tượng, nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường
1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường bao gồm dự án đầu tư thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại Phụ lục II Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Dự án đầu tư công (trừ các dự án đầu tư công khẩn cấp, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, dự án thành phần thuộc dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch);
b) Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP);
c) Dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
d) Dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo yêu cầu của nhà đầu tư.
2. Nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường bao gồm:
a) Đánh giá sự phù hợp của địa điểm thực hiện dự án đầu tư với Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch khác có liên quan;
b) Nhận dạng, dự báo các tác động môi trường chính của dự án đầu tư đối với môi trường trên cơ sở quy mô, công nghệ sản xuất và địa điểm thực hiện dự án;
c) Nhận diện yếu tố nhạy cảm về môi trường của khu vực thực hiện dự án đầu tư theo các phương án về địa điểm (nếu có);
d) Phân tích, đánh giá, lựa chọn phương án về quy mô, công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải, địa điểm thực hiện dự án đầu tư và biện pháp giảm thiểu tác động môi trường;
đ) Xác định các vấn đề môi trường chính và phạm vi tác động đến môi trường cần lưu ý trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Điều 4. Thực hiện, xem xét nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất dự án đầu tư thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định này thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
2. Nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền xem xét đồng thời với việc thẩm định hồ sơ đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư và xây dựng.
Điều 5. Điều khoản chuyển tiếp
1. Dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước ngày Nghị định này có hiệu lực với kết quả thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung và dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì không phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
2. Dự án đầu tư đã thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường và được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thì không phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường khi đề nghị cấp
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
3. Đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 và đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường thì được tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận. Trường hợp dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 nhưng chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về đầu tư công.
1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.
2. Bãi bỏ Điều 12 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: VT, NN(2).
TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Văn Thành