Phụ cấp ưu đãi là gì? Phụ cấp ưu đãi theo nghề với công chức, viên chức?
Phụ cấp ưu đãi theo nghề là loại phụ cấp dành cho công chức, viên chức làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động cao hơn bình thường, phải ưu tiên đặc biệt do pháp luật quy định.Phụ cấp ưu đãi theo nghề có ý nghĩa rất quan trọng giúp người lao động ổn định đời sống vật chất. Vậy phụ cấp ưu đãi là gì?
- Phụ cấp ưu đãi nghề là gì?
Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước
Phụ cấp lương là khoản tiền mà đơn vị sử dụng lao động hỗ trợ người lao động để bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, mức độ phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt… chưa được tính đến hay tính chưa đầy đủ trong mức lương.Đây là khoản hỗ trợ mà người lao động sẽ nhận được hàng tháng bên cạnh mức lương cơ bản. Việc người lao động sẽ nhận được những khoản phụ cấp lương nào, điều chỉnh như thế nào là do chính đơn vị sử dụng lao động quy định.
Phụ cấp ưu đãi nghề là loại phụ cấp dành cho công chức, viên chức làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động cao hơn bình thường, phải ưu tiên đặc biệt do pháp luật quy định, nhằm khuyến khích công chức, viên chức gắn bó lâu dài với nghề hơn,
- Đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp của công chức viên chức:
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng quy định Nghị định 204/2004/NĐ-CP bao gồm những đối tượng như sau
– Các chức danh lãnh đạo của Nhà nước và các chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát quy định tại bảng lương chức vụ và bảng phụ cấp chức vụ ban hành kèm theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11).
– Các chức danh do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
– Công chức trong các cơ quan nhà nước quy định tại Điều 2 Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước (sau đây viết tắt là Nghị định số 117/2003/NĐ-CP).
– Công chức dự bị quy định tại Điều 2 Nghị định số 115/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về chế độ công chức dự bị (sau đây viết tắt là Nghị định số 115/2003/NĐ-CP).
– Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước quy định tại Điều 2 Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (sau đây viết tắt là Nghị định số 116/2003/NĐ-CP).
– Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế nhà nước và hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được cử đến làm việc tại các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam.
– Cán bộ chuyên trách và công chức ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã) quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là Nghị định số 121/2003/NĐ-CP) và Điều 22 Nghị định số 184/2004/NĐ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh Dân quân tự vệ (sau đây viết tắt là Nghị định số 184/2004/NĐ-CP).
– Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu.
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân trong các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang.
- Về nguyên tắc áp dụng và cách tính phụ cấp ưu đãi theo nghề:
Theo quy định của pháp luật thì khi hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề thì mỗi công chức, viên chức chỉ được hưởng một phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức cao nhất. Phụ cấp ưu đãi theo nghề được tính theo tỷ lệ phần trăm (sau đây viết là %) trên mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng.
Về nguồn kinh phí chi trả.Nguồn kinh phí để thực hiện chế độ phụ cấp quy định tại Nghị định này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành, nguồn thu của các cơ sở y tế từ các hoạt đông sự nghiệp của đơn vị theo quy định và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
- Mức hưởng phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp của công chức, viên chức:
Căn cứ theo quy định Nghị định 204/2004/NĐ-CP nêu trên, phụ cấp ưu đãi theo nghề của công chức, viên chức được tính theo công thức như sau: phần trăm dựa trên tổng mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung
Cụ thể:
Phụ cấp ưu đãi nghề = Hệ số phụ cấp x [Mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)]
Trong đó:
Hệ số phụ cấp
Gồm 10 mức là: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30%, 35%, 40%, 45% và 50%.
Mức lương hiện hưởng của công chức, viên chức
Hiện lương công chức, viên chức đang được tính theo công thức:
Lương = Hệ số x mức lương cơ sở.
– Từ nay đến 30/6/2020, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng (Nghị định 38 năm 2019 của Chính phủ). Bắt đầu từ 01/7/2020, mức lương cơ sở này sẽ được tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng (Nghị quyết số 86/2019/QH14).
– Hệ số lương thì phụ thuộc vào từng chức vụ, ngành nghề, lĩnh vực.
Phụ cấp chức vụ lãnh đạo
Công chức, viên chức giữ chức danh lãnh đạo do bầu cử, bổ nhiệm nào thì được xếp lương chức vụ hoặc hưởng phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo đó.
Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo chi tiết được ban hành kèm Nghị định 204/ 2004/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung.
Phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)
Khoản phụ cấp này chỉ áp dụng với các đối tượng được xếp lương theo Nghị định 204/ 2004/NĐ-CP đã ở bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh hoặc thuộc các ngành Tòa án, kiểm sát…
Mức phụ cấp được hưởng bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng. Tùy vị trí cụ thể, từ năm thứ ba hoặc năm thứ tư trở đi mỗi năm được tính thêm 1% nữa.
Tuy nhiên, theo quy định của Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đến năm 2021 sẽ gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề).
Trên đây là quy định hiện hành về phụ cấp ưu đãi nghề và cách tính. Có thể thấy, loại phụ cấp này được áp dụng với công chức, viên chức của những công việc có điều kiện lao động cao hơn bình thường nên được hưởng chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước.
Ví dụ: Về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập
1.Hệ số lương thì phụ thuộc vào từng chức vụ, ngành nghề, lĩnh vực.
Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau đây:
a) Xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần;
b) Giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý.
2. Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau đây:
a) Khám, điều trị, chăm sóc người bệnh cấp cứu, hồi sức cấp cứu, cấp cứu 115, truyền nhiễm;
b) Xét nghiệm, phòng chống bệnh truyền nhiễm;
c) Kiểm dịch y tế biên giới.
3. Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh gây mê hồi sức, điều trị tích cực, nhi, chống độc, bỏng và da liễu.
4. Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này.
5. Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với công chức, viên chức sau đây:
a) Công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế để thực hiện các công việc: truyền thông giáo dục sức khỏe; dân số – kế hoạch hóa gia đình;
b) Công chức, viên chức quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở, viện, bệnh viện chuyên khoa, các trung tâm: HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh lý, pháp y.
6. Đối với công chức, viên chức không trực tiếp làm chuyên môn y tế; công chức, viên chức y tế làm công tác quản lý, phục vụ tại các đơn vị sự nghiệp y tế nói chung (trừ đối tượng quy định tại điểm b khoản 5 Điều này), viên chức làm công tác chuyên môn y tế tại cơ quan, đơn vị, trường học thì thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu để xem xét, quyết định nhưng không vượt quá mức 20% so với mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng.