AIPPI 2024: Cuộc tranh luận toàn cầu về bằng sáng chế do AI tạo ra
Câu hỏi về việc trí tuệ nhân tạo (AI) có thể được xem như là một nhà phát minh trong các đơn xin cấp bằng sáng chế hay không đang làm dấy lên các cuộc tranh luận pháp lý trên toàn cầu và đã được đưa vào thảo luận tại đại hội AIPPI thế giới năm nay.
Trường hợp nổi bật nhất trong vấn đề này liên quan đến hệ thống AI “DABUS” và người sáng tạo của nó, tiến sĩ Stephen Thaler đang tiếp tục thách thức các khái niệm truyền thống về quyền phát minh ở nhiều khu vực pháp lý. Trong khi một số tòa án đã giữ nguyên các khung pháp lý hiện hành yêu cầu nhà phát minh phải là con người thì những nơi khác đang xem xét lại quy tắc trong bối cảnh công nghệ phát triển.
Năm 2021, Nam Phi trở thành quốc gia đầu tiên cấp bằng sáng chế liệt kê DABUS, một AI, là nhà phát minh. Vì Nam Phi không tiến hành kiểm tra nội dung, mọi từ chối cho đến nay chỉ dựa trên thủ tục hành chính. Văn phòng sáng chế Nam Phi đã chấp nhận đơn xác định AI là nhà phát minh và cấp bằng sáng chế cho Thaler, chủ sở hữu của hệ thống.
Trong một diễn biến quan trọng sau đó, một thẩm phán tại tòa án liên bang Úc đã ban hành phán quyết rằng một hệ thống AI có thể được công nhận là nhà phát minh theo luật sáng chế của Úc. Cách hiểu này dựa trên một phân tích pháp lý không giới hạn nghiêm ngặt quyền phát minh chỉ cho con người. Tuy nhiên, phán quyết này sau đó đã bị tòa án liên bang bác bỏ, và tòa án tối cao Úc quyết định không xem xét vụ việc.
Ryan Abbott, giáo sư luật và nghiên cứu y tế tại đại học Surrey, là một trong những diễn giả tại phiên thảo luận buổi sáng của AIPPI vào ngày 20 tháng 10. Ông cũng là người đứng đầu đội ngũ pháp lý đại diện cho Thaler tại nhiều khu vực pháp lý khác nhau. Ông giải thích rằng một số khu vực như Israel và Áo không yêu cầu phải chỉ định một nhà phát minh. Các khu vực pháp lý khác sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau về tầm quan trọng của quyền phát minh hoặc ý nghĩa của việc trở thành nhà phát minh “một số trong đó sử dụng các thuật ngữ tập trung vào con người, một số thì không” Abbott nói.
“Hầu hết các phát minh không thuộc sở hữu của nhà phát minh mà thuộc về chủ lao động của họ” Abbott nói tại một phiên điều trần của tiểu ban thượng viện Hoa Kỳ năm 2023.
Ngược lại, Hoa Kỳ kiên quyết yêu cầu chỉ có con người mới có thể là nhà phát minh. Năm 2022, tòa phúc thẩm liên bang Hoa Kỳ đã phán quyết rằng đạo luật sáng chế Hoa Kỳ định nghĩa nhà phát minh là một “cá nhân” có nghĩa là một con người. Tòa án đã viện dẫn các tiền lệ chỉ ra rằng “cá nhân” là một người theo luật pháp Hoa Kỳ trừ khi có quy định khác.
Quan điểm của châu Âu cũng phức tạp không kém. Văn phòng sáng chế châu Âu (EPO) đã từ chối các đơn liệt kê AI là nhà phát minh, cho rằng nhà phát minh phải là một người tự nhiên. Tuy nhiên khung pháp lý cho phép các quốc gia thành viên có một số quyền tự do trong cách hiểu về quyền phát minh. Theo Abbott, một đơn chia tách đã được nộp tại châu Âu, nhưng Bộ phận thủ tục đã từ chối lại với lý do rằng nhà phát minh phải là con người. Abbott cho biết một buổi điều trần của Văn phòng thủ tục dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12. Vương quốc Anh đã có cách tiếp cận tương tự. Mặc dù vụ việc đã lên đến tòa án tối cao Vương quốc Anh, phán quyết rất rõ ràng: chỉ có con người mới có thể được liệt kê là nhà phát minh.
Tại Trung Quốc, CNIPA cũng ra phán quyết rằng nhà phát minh phải là người tự nhiên, do quyền xác định nhà phát minh thuộc về quy định chung của luật dân sự, bao gồm người tự nhiên, pháp nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân. Vì DABUS, một hệ thống AI, không thuộc bất kỳ loại nào trong các nhóm này nên nó không thể được công nhận là nhà phát minh.
“Hoa Kỳ cho phép các đối tượng không phải con người là tác giả của những thứ liên quan đến quyền tác giả, ví dụ như quyền tác giả của các tổ chức. Và lập luận rằng các bằng sáng chế được thiết kế để làm ba điều: khuyến khích đổi mới, khuyến khích tiết lộ những thứ mà nếu không sẽ được giữ bí mật thương mại và khuyến khích thương mại hóa các sản phẩm mới” Abbott giải thích, ông nói thêm rằng tất cả những điều này sẽ được tạo điều kiện bằng cách công nhận bằng sáng chế cho các phát minh do AI tạo ra vì điều đó sẽ khuyến khích mọi người tạo ra và sử dụng AI trong các hoạt động sáng tạo và nghiên cứu phát triển (R&D).
Những trường hợp này làm nổi bật thách thức lớn hơn trong việc dung hòa các luật sáng chế truyền thống với khả năng của AI. Bằng sáng chế, theo thiết kế, nhằm khuyến khích đổi mới, bảo vệ tài sản trí tuệ và thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm mới. Nhiều người cho rằng việc loại trừ AI khỏi quy trình phát minh làm suy yếu những mục tiêu này, đặc biệt là trong các lĩnh vực như dược phẩm, nơi AI đã và đang thay đổi cách thức nghiên cứu và phát triển
Theo Abbott, AI sẽ giúp xã hội trở nên giỏi hơn trong R&D và trong vài thập kỷ tới có thể tự động hóa các lĩnh vực lớn của R&D. Nếu các công ty không thể đăng ký bằng sáng chế cho các phát minh do AI tạo ra, họ có thể giữ chúng như là bí mật thương mại. Ông cảnh báo rằng điều này sẽ làm lệch hướng mục đích của hệ thống bằng sáng chế, đặc biệt là trong các ngành như dược phẩm, nơi một phần lớn khoản đầu tư diễn ra sau giai đoạn phát minh, chẳng hạn như trong các thử nghiệm lâm sàng.
Những phát triển gần đây tại Đức càng làm phức tạp thêm bức tranh. Một phán quyết của tòa án cao nhất tại Đức ban hành vào đầu năm nay đã ủng hộ ý tưởng rằng các phát minh do AI tạo ra có thể được bảo vệ miễn là một con người chẳng hạn như chủ sở hữu hoặc người sử dụng AI được liệt kê là nhà phát minh. Vụ việc hiện đã được gửi trở lại văn phòng sáng chế Đức và các dấu hiệu ban đầu cho thấy văn phòng có thể chấp nhận cách tiếp cận này.
“AI đã thực hiện phần lớn công việc. Bạn biết đấy, có những công ty AI nói rằng về cơ bản một người không có đào tạo về AI hay khám phá thuốc có thể sử dụng những nền tảng này để tạo ra thuốc mới. Vì vậy, thực sự tôi nghĩ còn rất nhiều câu hỏi về việc tất cả những điều này sẽ diễn ra như thế nào trong các vụ kiện tụng. Và quan điểm của tôi là điều này không nên là một rào cản nếu AI có thể làm tốt hơn trong việc phát minh, lái xe hay điều hành con người, thì đó là điều chúng ta muốn khuyến khích. Đó là điều chúng ta muốn luật bằng sáng chế khuyến khích” Abbott nói.
Các cuộc thảo luận đang diễn ra tại các diễn đàn như Đại hội thế giới AIPPI làm nổi bật nhu cầu cấp thiết về việc dung hòa luật sáng chế với sự tiến bộ của công nghệ. Khi AI ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong nghiên cứu và phát triển đặc biệt là trong các lĩnh vực như dược phẩm, việc giải quyết những bất định pháp lý này là điều rất quan trọng.
Nguồn https://asiaiplaw.com/