Chủ đề vai trò của Sở hữu trí tuệ trong thương mại quốc tế. Khái quát chung về thương mại quốc tế (phần 1)

Ngày cập nhật: 01/08/2023 lúc 3:51:17

dsa

 

  1. Định nghĩa:

Trong xã hội, con người muốn tồn tại và phát triển phải có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Rộng hơn, ở phạm vi quốc tế, một quốc gia muốn phát triển phải liên kết với các quốc gia khác. Chính vì vậy, ngày nay trong quá trình hội nhập và phát triển, việc giao thương mua bán hàng hoá và dịch vụ giữa các nước là điều không thể thiếu của mỗi quốc gia.

Hiện nay có định nghĩa về thương mại quốc tế,  căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 “  Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lời, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lời khác. Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1,2 điều 27,28 Luật thương mại 2005, việc mua bán hàng hoá quốc tế là được hiểu là việc xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá được đưa ra, đưa vào lãnh thổ. Từ đó ta có thể hiểu Thương mại quốc tế là những hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế, liên quan trực tiếp đến việc buôn bán, trao đổi hàng hoá với các nước trên thế giới. Nó bao gồm các hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế như thương mại, đầu tư, mua bán hàng hóa từ hữu hình đến các dịch vụ.

  1. Các thời kỳ phát triển của thương mại quốc tế:

    Thương mại quốc tế đã ra đời tư khá lâu nhưng chỉ thực sự phát triển vào cuối chiến tranh thứ 2. Trải qua những thời kỳ và phát triển khác nhau nhưng có thể chia sự hình thành và phát triển của thương mại quốc tế ra thành 4 thời kỳ:

  • Ở thời kỳ thứ nhất ( TK XIX TCN – TK IV): Trong thời kỳ này, thương mại quốc tế được coi là hình thành thông qua việc trao đổi và mua bán hàng hoá giữa các quốc gia láng giềng. Việc mua bán hàng hoá không còn bị bó hẹp trong mỗi quốc gia mà đã vượt qua biên giới. Một trong những sự kiện quan trọng của thương mại quốc tế thời kỳ này là có sự xuất hiện của “ Con đường tơ lụa” nối liền Châu Á và Châu Âu. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, phương tiện giao thông, vận chuyển hàng hoá còn chưa phát triển nên hoạt động thương mại quốc tế ở thời kỳ này chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ.
  • Thời kỳ thứ hai ( TK V – TK XIII): Ở thời kỳ này, vô số cuộc chiến tranh nổ ra dẫn đến thương mại quốc tế kém phát triển, tuy nhiên hoạt động thương mại vẫn diễn ra phổ biến và nhộn nhịp ở một số thành phố thuộc Châu Âu và Trung Đông – những nơi được coi là trung tâm của giao dịch thương mại Venise, Istanbul, Baghdad,..
  • Thời kỳ thứ ba ( TK XIV – Năm 1945): Đây được coi là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của thương mại quốc tế bởi giao thông phát triển, đặc biệt là giao thông đường thuỷ nên việc trao đổi hàng hoá cũng vì thế mà phát triển. Trong thời kỳ này, để đáp ứng nhu cầu liên quan đến hoạt động thương mại, nhiều dịch vụ liên quan cũng hình thành và phát triển như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
  • Thời kỳ thứ 4 ( Năm 1945 – Đến nay ): Là thời kỳ phát triển mạnh mẽ chưa từng có của thương mại quốc tế. Sự phát triển mạnh mẽ này có được nhờ những thành tựu của khoa học kỹ thuật và những sự quan tâm đặc biệt cho thương mại quốc tế, khởi đầu bằng việc hình thành của GATT ( 1947) và WTO ( 1995 )

   3. Chủ thể trong thương mại quốc tế: 

3.1, Chủ thể cá nhân:

Cá nhân là chủ thể trong thương mại quốc tế là các thương nhân hội tụ đủ những điều kiện mà pháp luật quy định. Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà luật pháp các nước có thể quy định cụ thể hoặc không cụ thể đối với những cá nhân khi tham gia quan hệ thương mại quốc tế với tư cách chủ thể. Nếu pháp luật yêu cầu cụ thể thì chỉ có những người có đầy đủ những yêu cầu của pháp luật thì mới có thể trở thành chủ thể của quan hệ luật thương mại quốc tế. Và nếu pháp luật không quy định cụ thể về điều kiện của chủ thể trong luật thương mại quốc tế thì khi xem xét tư cách chủ thể của một người trong quan hệ thương mại quốc tế sẽ căn cứ vào các quy định đối với cá nhân là thương nhân trong quan hệ pháp luật thương mại trong nước và đồng thời bổ sung một số điều kiện nhất. Hay ta có thể hiểu, trong trường hợp này, cá nhân muốn trở thành chủ thể luật thương mại quốc tế thì phải thương nhân trong quan hệ thương mại trong nước, đồng thời có đủ các điều kiện bổ sung theo quy định pháp luật để có thể tham gia giao dịch thương mại quốc tế ( theo điều 73 LTM 2005)

Mặc dù có những quy định cụ thể khác nhau nhưng nhìn chung luật pháp các nước đều dựa trên hai tiêu chuẩn pháp lý liên quan trực tiếp tới cá nhân đó là các điều kiện về nhân thân và các điều kiện về nghề nghiệp của cá nhân. Trước hết, điều kiện về nhân là điều kiện pháp lý gắn liền với một con người cụ thể. Theo quy định của hầu hết các nước, việc xem xét điều kiện của một người có thể trở thành nhân thân hay không kông chỉ căn cứ vào năng lực pháp luật và năng lực hành vi mà còn phải căn cứ vào những yêu cầu khác ví dụ như không phải là người bị cơ quan có thẩm quyền tước quyền tham gia kinh doanh hoặc người đang chấp hành án phạt tù,…Thứ hai, cá nhân đó còn phải đáp ứng được điều kiện về nghề nghiệp. Những người đang làm một số ngành nghề nhất định sẽ không được tham gia hoạt động thương mại trong đó có hoạt động thương mại quốc tế. Ví dụ, theo luật thương mại của Cộng hoà Pháp thì những người làm các công việc như công chức, luật sư, bác sĩ, công chứng viên,..thì sẽ không được tham gia hoạt động thương mại nói chung và thương mại quốc tế nói riêng. Theo điều 6 Luật thương mại 2005 thì thương nhân là cá nhân phải là người hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.

3.2, Chủ thể pháp nhân:

Pháp nhân là tổ chức được nhà nước thành lập hoặc công nhận khi hội đủ các điều kiện pháp lý theo quy định của pháp luật. Pháp nhân với tư cách là chủ thể trong quan hệ thương mại nói chung và trong quan hệ thương mại quốc tế nói riêng được tồn tại dưới nhiều hình thức như công ty, hãng kinh doanh,..Theo quy định của pháp luật nhiều nước trên thế giới, pháp nhân với tư cách chủ thể của quan hệ thương mại nói chung và thương mại quốc tế nói riêng được gọi là thương nhân. Các tiêu chuẩn pháp lý để xác định tư cách thương nhân của pháp nhân được quy định trong luật thương mại của các nước. Theo khoản 1,2 Điều 6 Luật thương mại 2005 thì thương nhân là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp và có quyền hoạt động trong phạm vi ngành nghề tại các địa bàn, dưới mọi hình thức, bằng các phương thức mà pháp luật không cấm.

Trong nguyên tắc tự do kinh doanh trong thương mại quốc tế, hầu hết các nước cho phép mọi pháp nhân là thương nhân khi có đầy đủ điều kiện tham, gia hoạt động thương mại trong nước thì cũng được phép tham gia hoạt động thương mại quốc tế. Tuy nhiên, pháp luật của một số nước còn đưa ra một số điều kiện bổ sung để xác định tư cách chủ thể đối với loại thương nhân này.

Thương nhân nước ngoài là thương nhân được thành lập hoặc đăng ký theo pháp luật nước ngoài hoạt động tại nước sở tại. Trong quá trình hoạt động, thương nhân phải tuân thủ pháp luật của nước nó hoạt động. Ví dụ theo quy định của Luật Thương mại Việt Nam, thương nhân nước ngoài là thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận. Ngoài ra, thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phải thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam ( theo khoản 1,2 Điều 16 Luật thương mại 2005)

3.3, Chủ thể quốc gia: 

     Trong thương mại quốc tế, quốc gia tham gia với tư cách là chủ thể có trong hai trường hợp. Một là kí kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về thương mại. Hai là tham gia giao dịch thương mại với các chủ thể khác như cá nhân và pháp nhân.

Ở trường hợp thứ nhất, với tư cách chủ thể trong quan hệ quốc tế, quốc gia kí kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế. Trong đó, quốc gia thoả thuận với các quốc gia khác về quyền và nghĩa vụ của mình trong thương mại quốc tế. Ví dụ như khi kí Hiệp định chung thuế quan và thương mại (GATT) các nước thành viên đã cam kết thực hiện những điều đã thoả thuận.

Trong trường hợp thứ hai, quốc gia tham gia quan hệ thương mại quốc tế với các chủ thể khác nhau như cá nhân và pháp nhân. Khi tham gia quan hệ này, quốc gia luôn là chủ thể đặc biệt và được hưởng quy chế đặc biệt. Theo đó, một số nguyên tắc trong giao dịch hợp đồng sẽ bị hạn chế áp dụng nếu các quốc gia tham gia với tư cách chủ thể không tuyên bố từ bỏ quyền miễn trừ của mình. Nguyên tắc thứ nhất là nguyên tắc bình đẳng. Về mặt lý luận, khi tham gia ký kết hợp đồng dân sự nói chung và hợp đồng thương mại quốc tế nói riêng, các bên chủ thể trong quan hệ luôn bình đẳng với nhau. Tuy nhiên, thực tế, trong quan hệ hợp đồng mà một bên chủ thể là nhà nước thù nguyên tắc bình đẳng hầu như không được đặt ra. Nói cách khác, khi hợp đồng kinh doanh được ký kết giữa quốc gia và thương nhân thì nguyên tắc bình đẳng giữa các bên không được áp dụng. Bởi lẽ, khác với các loại chủ thể khác nhau như cá nhân và pháp nhân, quốc gia là chủ thể có quyền. Quốc gia có quyền tối cao trong quan hệ đối nội cũng như đối ngoại.

Nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc chọn luật, về mặt pháp lý, hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên chủ thể, do đó các bên có quyền thỏa thuận tất cả những vấn đề mà pháp luật không cấm. Suy ra, trong đó có cả việc chọn luật áp dụng cho hợp đồng. Các bên có thể chọn luật do các bên mang quốc tịch, luật nơi ký kết hợp đồng, luật nơi thực hiện hợp đồng,…Tuy nhiên, trong trường hợp một bên là chủ thể quốc gia thì vấn đề chọn luật áp dụng cho hợp đồng đó không được đặt ra vì pháp luật áp dụng cho hợp đồng sẽ là pháp luật của quốc gia với tư cách chủ thể của quan hệ hợp đồng đó.

Mời quý bạn xem tiếp phần 2: Các đối tượng sở hữu trí tuệ liên quan đến Luật Thương mại quốc tế. 

Trần Vy Khanh tổng hợp lại.

 

RELATED ARTICLES: