PHẦN 3: VIỆT NAM ĐANG Ở ĐÂU TRONG QUÁ TRÌNH ÁP DỤNG TÍN CHỈ CÁC BON.
1. Cam kết của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu:
Như chúng ta đã biết và cần nhắc lại: Tín chỉ các-bon là một loại giấy phép hay chứng chỉ đại diện cho việc giảm phát thải một tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính (KNK) tương đương với một tấn CO2. Các tín chỉ này có thể dùng để giao dịch và trao đổi trong thị trường các-bon, nhằm thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động giảm phát thải KNK.
Chúng ta đều biết có 2 loại thị trường tín chỉ các bon chính trên thế giới:
- Thị trường tín chỉ các bon bắt buộc: là thị trường mà tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia theo luật phải kiểm kê và giảm lượng khí thải nhà kính và có quyền tham gia vào các hoạt động trao đổi, mua bán tín chỉ các bon cũng như hạn ngạch phát thải khí nhà kính . Việc giảm phát thải phải bắt buộc tuân thủ các quy định của quốc gia, khu vực và quốc tế. Một trong những ví dụ về loại tín chỉ các-bon được giao dịch trên thị trường các-bon bắt buộc là Giảm phát thải được chứng nhận (CERs) được ban hành trong khuôn khổ Cơ chế Phát triển sạch (CDM -Clean Development Mechanism) thuộc Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC)
- Thị trường tín chỉ các bon tự nguyện: dựa trên quan hệ song phương, đa phương giữa các tổ chức, công ty và quốc gia. Bên mua tín chỉ các bon sẽ tham gia vào quá trình dựa trên sự tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường xã hội và quản trị doanh nghiệp. Trong thị trường các-bon tự nguyện, người mua mua tín chỉ nhằm bù trừ cho các hoạt động phát thải KNK của họ một cách tự nguyện và một số loại tín chỉ các-bon tự nguyện có thể kể đến là các giảm phát thải được chứng nhận theo các tiêu chuẩn như Tiêu chuẩn các-bon được thẩm định (VCS), Tiêu chuẩn vàng (GS) và tiêu chuẩn Hội đồng các-bon toàn cầu (GCC)
Câu hỏi đặt ra là Việt Nam đang tham gia vào thị trường tín chỉ các bon bắt buộc hay tự nguyện? Nhìn chung có thể nói chúng ta đang tồn tại cả 2 thị trường nói trên nhưng chủ yếu đang trong quá trình thực hiện tín chỉ các bon tự nguyện theo các cam kết của chính phủ tới năm 2028. Phát biểu tại Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu toàn cầu COP26 tổ chức tại Vương quốc Anh ngày 01-11-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ba thông điệp quan trọng: 1. ứng phó với biến đổi khí hậu là ưu tiên đạo đức hàng đầu của tất cả ban ngành, 2. dựa vào hoàn cảnh mỗi quốc gia cần cam kết giảm phát thải nhà kính mạnh mẽ để kiềm chế sự biến đổi khí hậu toàn cầu, 3. tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ đóng vai trò quan trọng để thực hiện thành công thỏa thuận Paris. Dựa trên 3 thông điệp này Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra cam kết Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
2. Thị trường tín chỉ các bon sẽ hoạt động theo lộ trình vào 2028:
Tại Việt Nam thị trường tín chỉ các bon đang trong quá trình xây dựng theo lộ trình cụ thể là đến hết năm 2027. Bộ Luật Môi trường ký năm 2020 sẽ chính thức có hiệu lực vào 1/1/2022 trong đó có nhắc tới việc cam kết giảm phát thải CO2 và xây dựng hành lang pháp lý liên quan tới tín chỉ các bon hay còn gọi là hệ thống trao đổi tín chỉ các bon (ETS- the carbon Emission Trading Scheme). Theo Ngân hàng thế giới- đơn vị tài trợ chính cho nhiều dự án thẩm định và tiêu chuẩn hóa hệ thống trao đổi tín chỉ các-bon (ETS) hoat động thì sẽ cần có các chính sách và công cụ bổ sung quy định về kiểm kê KNK quốc gia, hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV- monitoring, reporting and verification system) và lập đơn vị quản lý ở cấp quốc gia về đăng ký phát thải. Để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống trao đổi tín chỉ các-bon của Việt Nam dự kiến sẽ tiến hành với các đơn vị phát thải lớn KNK trước khi nhân rộng ra các đơn vị phát thải ít hơn.
Cũng theo các nghiên cứu của World Bank, mật độ các-bon quốc gia trên GDP của Việt Nam tăng 48% trong giai đoạn 2000-2010, cao thứ hai ở Đông Á. Từ năm 2010 đến năm 2020, lượng khí thải CO2 tăng gần gấp 4 lần, phần lớn là từ nhiệt điện than, các hoạt động phát thải công nghiệp và giao thông[1]. Do vậy mục tiêu của Bộ Luật bảo vệ môi trường hiện nay cần đạt được các mục tiêu:
- Mục tiêu 1: giảm phát khí thải nhà kính (KNK) thông qua vận hành thị trường tín chỉ các bon sẽ góp phần làm giảm ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe người dân.
- Mục tiêu 2: giảm phát KNK qua trị trường ETS góp phần giảm các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, cháy rừng, nước biển dâng cao và xâm lấnv… là các hiện tượng mà đang và sẽ khiến hàng triệu người Việt Nam phải di dời khỏi nơi sinh sống của mình. Điển hình cho điều này là dự đoán về tình trạng ngập mặn và biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu long tới năm 2050.
- Mục tiêu 3: thị trường ETS sẽ giúp tăng ngân sách quốc gia và khuyến khích phát triển các công nghệ xanh. Cơ chế của thị trường này khiến các doanh nghiệp nghiêm túc hơn vào các công nghệ giúp giảm phát thải KNK ra môi trường qua đó sẽ đầu tư nhiều hơn vào công nghệ xanh. Điều này ta được thấy qua các công ty Sữa tại Việt Nam như Vinamilk, Truemilk đã có động thái rất nghiêm túc trong việc tự cân bằng lượng phát thải các bon của mình trên đầu sản phẩm bằng các dự án trồng rừng hấp thụ CO2 và thay đổi các phương pháp chăn nuôi tiên tiến và hiện đại hơn nhằm giảm lượng phát thải KNK trong chăn nuôi bò sữa.
- Mục tiêu 4: Đó là tăng tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư FDI. Việc này đặc biệt quan trọng với các thị trường khó tính có các quy định thuế quan nghiêm ngặt liên quan tới bảo vệ môi trường và cắt giảm KNK như Liên Minh Châu Âu. Kể từ tháng 10 năm 2023 Liên minh Châu Âu đã tuyên bố sẽ tăng thuế với các hàng hóa xuất vào thị trường này có tỷ lệ phát thải các bon cao. Để đảm tỷ lệ phát thải các bon trên đơn vị hàng hóa xuất khẩu vào Châu Âu, doanh nghiệp cần tăng cường mua các chứng chỉ các bon và chứng minh về quy trình sản xuất, nguyên vật liệu có sự giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên việc chứng minh về quy trình sản xuất xanh hiện đang khó khăn với các doanh nghiệp Việt Nam do thiếu các quy định và tổ chức có thể kiểm chứng tại Việt Nam, do đó việc mua chứng chỉ các bon uy tín là giải pháp tối ưu.
3. Những giải pháp cần ngay cho thị trường tín chỉ các bon Việt Nam
Nếu ở các mục trên chúng ta thấy rõ các cam kết và mục tiêu của Việt Nam do cả chính phủ lẫn các tổ chức quốc tế khuyến nghị để đưa Việt Nam thành một quốc gia xanh thì thực tế đang khiến chúng ta đặt ra nhiều câu hỏi???
a, Thứ nhất chúng ta cần có đầy đủ các nghiên cứu về tiềm năng cấp tín chỉ các bon với các hệ sinh thái nông lâm nghiệp hiện tại ở Việt Nam.
Theo các nghiên cứu và khuyến nghị về thị trường các bon do các tổ chức quốc tế tài trợ, điển hình là World Bank và ngân hàng phát triển Châu Á (ADP) thì các đánh giá, báo cáo hiện mới thể hiện trên một lượng nhỏ diện tích cây nông lâm nghiệp tại Việt Nam, trong đó còn ít nhất 30% các diện tích rừng thuộc sở hữu quốc gia chưa được đánh giá đầy đủ để có thể cấp tín chỉ các bon. Gần đây nhất lượng tín chỉ các bon được đánh giá, đo đạc và được ngân hàng thế giới chuyển ra thị trường các bon quốc tế là 10,3 triệu tấn tương đương 1.250 tỷ đồng. Việt Nam vừa chuyển giao xong 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới, thu về gần 1.250 tỷ đồng. Đây là thông tin mới nhất vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo Thủ tướng. Theo đó, số tín chỉ carbon thu được từ rừng thuộc vùng Bắc Trung Bộ. Việc bán tín chỉ carbon nằm trong thỏa thuận chi trả phát thải nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ được ký ngày 22/10/2020 giữa Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Một lượng lớn rừng có thể bán tín chỉ các bon như các rừng chè shan tuyết tại Hà giang, Yên bái, Lào cai… vẫn còn nhiều tiềm năng. Đó là chưa kể các loại cây trồng tại các khu rừng Phòng hộ và Rừng dân sinh do dân tự trồng và kinh doanh đều là các cây trồng lâu năm tồn tại lâu dài có đủ tiềm năng được cấp tín chỉ các bon nhưng do một số điều kiện chưa được đưa vào diện tính tín chỉ các bon.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng -Hiệp hội chè (VITAS) cho biết hàng năm ngân hàng ADP và World Bank đều có những tài trợ cho các nghiên cứu đánh giá tỷ lệ rừng, triển vọng của tín chỉ các bon trong các cây trồng lâu năm tại Việt Nam. Trong báo cáo mới nhất của Hiệp Hội chè (VITAS) về “Đánh giá hiệu quả hấp thụ các bon, giảm phát thải khí nhà kính trong thực hành quản lý trang trại sản xuất chè” đã cho thấy những cây nông nghiệp phổ biến như cây Chè Trung du, chè Shan tuyết có lượng hấp thụ các bon rất khả quan. Bỏ qua các tính toán phức tạp có tính chất chuyên môn chúng tôi nêu thẳng một kết luận rằng: chỉ với cây trồng nông nghiệp phổ biến như cây chè ngoài việc cung cấp công ăn việc làm cho khoảng 500.000 lao động mỗi năm còn giúp hấp thụ được một lượng thải các bon rất lớn nếu chúng ta có các nghiên cứu đầy đủ và có hệ thống hỗ trợ nông dân trong việc kiểm soát việc bón phân, chăm sóc cũng như tính toán lượng hấp thu các bon để có thể cấp tín chỉ. Với cây chè trồng tập trung, tại Hà Giang với diện tích chè trồng 375,61 ha có độ tuổi từ 5 đến 40 tuổi, tổng lượng WCO2e tích lũy là 29.193,07 tấn, trung bình mỗi ha trồng chè có thể hấp thụ được 77,72 tấn CO2e. Với diện tích chè trồng phân tán, chè Shan núi cao, trên diện tích 108,1 ha chè trồng tại 3 tỉnh (Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai) tổng lượng WCO2e tích lũy đươc là 4.962,93 tấn, trung bình mỗi ha chè hấp thu và tích lũy được 45,91 tấn CO2e. Việc thực hành nông nghiệp tốt, chăm sóc cây chè theo tiêu chuẩn, giảm bón phân vô cơ, tăng cường bón phân hữu cơ sẽ giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính.
Đối với các loại cây trồng lâu năm khác hiện các điều tra còn tương đối ít và các diện tích rừng có thể cấp tín chỉ các bon vẫn còn nhiều cơ hội.
b, Thứ hai các cơ quan nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như thành lập các bộ phận riêng có chức năng thẩm định tín chỉ các bon với thẩm quyền quốc gia. Cơ quan hiện nay có thẩm quyền để kiểm tra, thẩm định và chứng nhận tín chỉ các bon là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, Bộ TN&MT đã ban hành các thủ tục xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường các-bon trong nước; đăng ký chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon. Các tổ chức có nhu cầu xây dựng chương trình, dự án sẽ nộp hồ sơ theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ sẽ tổ chức đánh giá và gửi thông báo cho tổ chức về việc quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận chương trình, dự án trong thời hạn tối đa 38 ngày.
Thực tế, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tham gia, xây dựng và thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đặc biệt là các hoạt động theo Cơ chế phát triển sạch CDM và Cơ chế tín chỉ chung JCM do Nhà nước quản lý. Một số cơ chế tạo tín chỉ các-bon theo hình thức tự nguyện cũng đã được nhiều tổ chức trong nước áp dụng triển khai cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính như Tiêu chuẩn vàng (GS), Tiêu chuẩn các-bon được thẩm tra (VCS). Theo Bộ TN và MT những năm qua, việc mua bán tín chỉ các-bon thu được từ các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trên đã cho thấy những tín hiệu khả quan. Riêng 4 triệu tín chỉ từ các dự án CDM mang về hơn 15 nghìn tỷ đồng, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất, kinh doanh, đồng thời giảm chi phí trả lãi tiền vay, có thêm động lực phát triển.
Tuy nhiên hiện nay chỉ có cơ quan là Bộ TN&MT thẩm định dự án nhưng về lâu dài cần có 1 bộ phận liên ngành có chức năng hỗ trợ thẩm định tín chỉ các bon. Điều này liên quan tới uy tín của cơ quan thẩm định, nếu chúng ta chậm chân có thể bị thua ngay trên sân nhà vì nếu cơ quan thẩm định chưa chuyên nghiệp thì uy tín của chứng chỉ có thể không được công nhận, đặc biệt là ở các thị trường khó tính như Châu Âu. Thậm chí có lúc chúng tôi đã nghĩ tới việc các cơ quan thẩm định tư nhân nước ngoài có thể tự làm chức năng này thay vì phải qua Việt Nam với nhiều thủ tục phức tạp. Thuần túy việc thẩm định chỉ số các bon là công việc thuộc cả về quản lý vừa là các đánh giá khoa học, ngoài ra nó còn liên quan trách nhiệm đánh giá dự án định kỳ. Như chúng tôi đã nói ở các bài báo khác, nhiều tín chỉ các bon đã bị gạt bỏ do nó được cấp ở những nơi mà khởi đầu là rừng lâu năm sau đó dần biến thành đất cho các mục đích khác. Lúc này vai trò của các cơ quan quản lý và thẩm định là vô cùng quan trọng. Chỉ thông qua ảnh vệ tinh các tổ chức khác có thể đánh giá dự án đã cấp tín chỉ các bon đó có thực sự tồn tại???
Bộ TN&MT hiện đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Đề án Phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam. Theo lộ trình đề xuất, giai đoạn từ nay đến hết năm 2027, Bộ TN&MT phối hợp cùng Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan sẽ tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc tổ chức, vận hành thị trường các-bon trong nước. Năm 2025 bắt đầu thí điểm và từ năm 2028, chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon. Sau đó, Việt Nam cũng sẽ ban hành các quy định về kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon các nước trong khu vực và thị trường các-bon thế giới. Giai đoạn sau năm 2030, tiếp tục vận hành và mở rộng thị trường các-bon trong nước và kết nối với thị trường các-bon khu vực và thế giới.
c, Thứ ba, cần đánh giá lại lượng phát thải các bon của chúng ta và tìm ngay biện pháp để giảm phát thải.
- Việc cam kết tới năm 2050 phát thải ròng về 0 là rất ấn tượng nhưng lại là thử thách vô cùng lớn với thế hệ tương lai. Chúng ta không thể ngồi và nói rằng năm sau tôi sẽ đỗ đại học trong khi năm nay vẫn chưa học gì. Việc giảm thải KNK không đơn thuần là 1 phát ngôn, nó là một cam kết có tính sống còn, không chỉ vậy nó còn là uy tín của đất nước và phải trở thành hành động ngay tức khắc.
- Một trong những điều chúng ta chứng kiến là lượng ô tô xe máy tiêu thụ xăng dầu đã tăng vọt qua các năm. Sự tắc đường khủng khiếp tại các thành phố lớn xảy ra không còn theo các dịp lễ hội nữa mà là vấn nạn thường xuyên, điều này dường như chả có liên quan gì tới cam kết phát thải các bon có lẽ bởi vì nó chưa được tính vào tổng lượng phát thải các bon của cả quốc gia. Kèm theo đó sự tiêu thụ năng lượng lên đến đỉnh điểm với những đợt cắt điện không còn kém phổ biến nữa. Nếu trước năm 1995 lượng điều hòa nhiệt độ tiêu thụ khá ít, nhiều ngôi nhà ở thành phố vẫn còn dùng quạt máy giải nhiệt thì tới những năm 2020 trở ra hầu như nhà nào cũng đã dùng điều hòa nhiệt độ và các thiết bị điện tử tiêu tốn năng lượng. Trong khi đó năng lượng điện cho hoạt động dân sinh, công nghiệp lại chủ yếu là nhiệt điện. Lượng nhà máy nhiệt điện đưa vào hoạt động đã tăng lên đáng kể và các nhà máy này đang hoạt động với công suất 100% thậm chí tới 120% vào những mùa nắng nóng cao điểm. Năng lượng mặt trời và năng lượng gió là những mảng xanh hiếm có thì đang ngắc ngoải chờ bên các chính sách của ngành năng lượng. Phải nói rõ ràng là chúng ta đang bị động hoàn toàn trong quy hoạch chính sách giao thông và năng lượng vì các mảng này lại thuộc về các cơ quan quản lý khác nhau hoàn toàn. Vậy thì 1 Bộ TN&MT sẽ là không đủ để đưa các cam kết về phát thải thành hiện thực.
- Một vấn đề khác hơn là trong khi lượng phát thải các bon đang lớn dần mà chưa được báo cáo đầy đủ thì lượng hấp thụ các bon lại đang được bán theo cơ chế tài trợ từ bên ngoài. Các tổ chức cơ quan quốc tế không tài trợ để bạn trồng rừng và bán tín chỉ các bon đó cho các doanh nghiệp trong nước mà phần lớn bạn sẽ đi theo các hoạt động tài trợ từ trước, như vậy tín chỉ các bon chưa ra đời thì có thể đã bị mua từ trước rồi. Điều này cũng giống như cổ phiếu của 1 công ty hạt giống trên thị trường chứng khoán sẽ bán ra nhỏ giọt cho số ít nhà giao dịch nhưng nó lại được bán theo hợp đồng định sẵn bởi các công ty, tổ chức hỗ trợ nó từ ban đầu. Chúng ta đang nói rằng “rừng vàng, biển bạc” nhưng thực tế thì rừng có giới hạn và đã được tận dụng hết rồi. Để một tín chỉ các bon hoạt động thành công, chúng ta cần trồng những cây lâu năm trong ít nhất trong 4-6 năm để có trưởng thành và hấp thụ lượng lượng các bon đáng kể để được cấp tín chỉ. Nhưng ngay khi nó có thể cấp tín chỉ thì nó đã được mua lại, thậm chí các đơn vị đầu tư cho rừng chính là những người sẽ mua lại tín chỉ. Có những câu chuyện mà chúng tôi nói ngoài lề với nhau: một anh bạn người Nhật sang Việt Nam muốn trồng rừng, tất nhiên người dân tại một số vùng sẽ không hiểu tại sao anh ấy muốn trồng một loại cây mà hầu như chưa có lợi ích kinh tế gì trước mắt. Nhưng dưới sự tài trợ những người dân sẽ trồng rừng quản lý và tuân theo các quy trình nghiêm ngặt do chuyên gia người Nhật hỗ trợ. Khi thời gian đủ dài có những đơn vị nước ngoài sẽ về khảo sát và ký kết với người nông dân chăm sóc rừng một hợp đồng đủ sức thuyết phục. Chỉ tới khi các cánh rừng đó nằm trong 1 tín chỉ các bon đã được ký kết sẵn thì chúng ta sẽ hiểu tại sao những chuyên gia như vậy có 1 tầm nhìn sâu xa.
- Chúng ta sẽ ngây thơ khi nghĩ rằng lượng áp thuế các bon sẽ ổn định theo thời gian. Không phải như vậy, nó sẽ tăng dần theo các chính sách của các quốc gia nhập khẩu, như vậy với lượng tín chỉ các bon ít ỏi chúng ta nhanh chóng bị áp những mức thuế bất ngờ. Nhưng tới lúc đó các doanh nghiệp cuống cuồng đi tìm mua lại chứng chỉ các bon thì nhận ra thị trường đó không dành cho mình. Hoàn toàn có thể dự báo rằng thị trường tín chỉ các bon tương lai sẽ là một thị trường nóng hơn cả thị trường chứng khoán hay dầu mỏ hiện tại. Những người nhìn xa trông rộng như các chuyên gia trồng rừng ở trên sẽ là người hưởng lợi khi đi trước chúng ta, họ xứng đáng được hưởng lợi ích từ dự án mà chính họ đã dày công đầu tư.
4) Kết luận:
Với những thông tin được đưa ra chúng tôi không dám đưa ra các khuyến nghị lớn nhưng rõ ràng nó cần được các cơ quan hữu quan nhìn nhận nghiêm túc. Sau đây là các kết luận có tính chất cá nhân:
– Cần có cơ quan quốc gia về kiểm định và cấp phép chứng chỉ các bon. Đó cần là 1 cơ quan liên bộ trực thuộc chính phủ để tham mưu và đưa ra các khuyến nghị cho chính phủ trong việc giảm thải các bon. Cơ quan này cũng cần là nơi hỗ trợ kiểm định và cấp chứng chỉ các bon. Ngoài ra cơ quan này có thể hỗ trợ các tổ chức cá nhân trong việc triển khai các dự án giảm thải các bon.
- Chính phủ cần xem xét và định hướng việc phát triển các phương tiện giao thông cá nhân bằng chính sách nhất quán cụ thể. Chúng ta không thể ồ ạt cấp phép các phương tiện giao thông sau đó lại đưa ra các chính sách đột ngột cắt giảm hoặc đánh thuế cao bất ngờ lên phương tiện giao thông khi “chợt nhận ra” sự quá tải phát thải các bon từ giao thông cá nhân. Trước năm 2010 đã từng có chính sách biển chẵn lẻ được lưu thông theo ngày. Thời kỳ đó chính sách mới chỉ nhằm mục đích giảm lượng lưu thông ô tô cá nhân. Nhưng vào thời điểm hiện tại thậm chí chính sách đó cũng không góp phần giảm thải các bon nếu được áp dụng vì thực sự lượng ô tô cá nhân đã tăng vọt theo cấp số nhân tới nay. Một điều chắc chắn là tương lai sẽ có thuế “các bon” đánh trên đầu phương tiện lưu thông cá nhân vì để giảm lượng các bon xả ra thì không có cách nào khác. Như vậy ngay từ bây giờ cần giảm lượng xe đang lưu thông.
- Cơ quan về năng lượng cần nghiên cứu hướng tới các nguồn năng lượng giảm phát thải trong tương lai gần khi mà lượng tiêu thụ năng lương đang gia tăng theo từng năm. Trước kia điện hạt nhân từng bị ghẻ lạnh tại nhiều nước phát triển do sự mất an toàn của nó, nhưng chính các nước này đang xem xét hoạt động trở lại của nguồn năng lượng này vì hiện vẫn chưa có 1 nguồn năng lượng khả dĩ có thể thay thế nhiệt điện mà ít phát thải các bon. Kể cả năng lượng mặt trời hay năng lượng gió thì vẫn có nhiều hạn chế về thời điểm hoạt động.
Cuối cùng trên hết thì việc giảm phát thải các bon không chỉ là việc của 1 Bộ ban ngành hay chính phủ mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Chỉ khi người dân ý thức rõ rệt về tầm quan trọng của hạn chế phát thải các bon toàn cầu thì những chính sách nhằm hạn chế KNK của chính phủ mới có tác dụng lâu bền. Do vậy việc tuyên truyền, quảng bá về ý nghĩa của việc giảm phát thải các bon tới toàn dân là một vấn đề cần thực hiện càng sớm càng tốt.
Hy vọng rằng những cam kết của Việt Nam về phát thải các bon bằng 0 sẽ sớm thành hiện thực.
Tài liệu tham khảo:
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách vận hành thị trường các-bon trong nước- Website Bộ TN&MT: https://monre.gov.vn/Pages/hoan-thien-co-che,-chinh-sach-van-hanh-thi-truong-cac-bon-trong-nuoc.aspx
- Báo Nghệ An: Nhà máy sữa và trang trại bò sữa Vinamilk Nghệ An đạt trung hòa các bon theo tiêu chuẩn quốc tế – ngày 26/05/2023
- Carbon Pricing Aids Vietnam’s Efforts Towards Decarbonization – Ngân Hàng World Bank
- Đánh giá hiệu quả hấp thụ các bon, giảm phát thải khí nhà kính trong thực hành quản lý trang trại sản xuất chè- Nguyễn Thị Ánh Hồng- Hiệp hội chè Vitas
- Mô hình định giá các bon trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam- Nguyễn Hoàng Nam Viện nghiên cứu kinh doanh (UEH).
- Giao dịch tín chỉ các-bon: Kỳ vọng thị trường tại Việt Nam- Báo Điện tử Tài Nguyên và Môi trường- Bộ TN&MT Việt Nam.
- Hạn ngạch phát thải trở thành tài sản của doanh nghiệp- Báo Điện tử Tài Nguyên và Môi trường- Bộ TN&MT Việt Nam.
Phần 1: Đến bao giờ Việt Nam sẽ xây dựng riêng luật về tín chỉ các bon và thị trường tín chỉ cacbon?